Trong bài viết này, tác giả phân tích những vấn đề tồn tại, hạn chế trong hoạt động công chứng ảnh hưởng đến quá trình xã hội hóa hoạt động công chứng. Từ đó, tác giả cũng đề xuất những giải pháp nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế và thúc đẩy xã hội hóa hoạt động công chứng trong giai đoạn hiện nay. 1. Thực trạng xã hội hóa hoạt động công chứng hiện nay 1.1. Việc phân bố các tổ chức hành nghề công chứng chưa khoa học Trước khi chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng được luật hóa, tại Việt Nam chỉ tồn tại một hình thức tổ chức hành nghề công chứng là phòng công chứng. Thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng theo Luật Công chứng năm 2006, chúng ta có hình thức tổ chức hành nghề công chứng thứ hai là văn phòng công chứng. Kể từ thời điểm Luật Công chứng năm 2006 có hiệu lực cho đến nay, văn phòng công chứng được phát triển mạnh mẽ và đã trở thành hình thức tổ chức hành nghề công chứng chủ yếu. Ở tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đều đã có văn phòng công chứng được thành lập nhằm đáp ứng giải quyết kịp thời nhu cầu công chứng của công dân, doanh nghiệp… Tuy nhiên, thực tế đang tồn tại, đó là việc phân bố các tổ chức hành nghề công chứng chưa khoa học ở nhiều địa phương, có thể kể tới như, khoảng cách đặt trụ sở giữa các tổ chức hành nghề công chứng rất ngắn, tập trung ở trung tâm[1]. 1.2. Việc quy định điều kiện thành lập văn phòng công chứng phải có từ hai công chứng viên trở lên làm hạn chế quá trình xã hội hóa Theo quy định tại khoản 1 Điều 22 Luật Công chứng năm 2014: “Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đối với loại hình công ty hợp danh. Văn phòng công chứng phải có từ hai công chứng viên hợp danh trở lên. Văn phòng công chứng không có thành viên góp vốn”. Thứ nhất, các công chứng viên không lựa chọn vùng sâu, vùng xa, những địa bàn có sự giao thương, kinh tế không phát triển để thành lập văn phòng công chứng bởi lượng việc ít dẫn đến thu nhập ít không đủ để chi trả cho hai công chứng viên. Thứ hai, theo quy định tại khoản 4 Điều 4 Luật Công chứng năm 2014, công chứng viên là người chịu trách nhiệm trước pháp luật và người yêu cầu công chứng về văn bản công chứng; Điều 38 Luật Công chứng năm 2014 quy định về trách nhiệm bồi hoàn của công chứng viên, như vậy, công chứng viên là người chịu trách nhiệm về bản công chứng. 1.3. Về việc chuyển đổi từ phòng công chứng sang văn phòng công chứng Hiện tại, chỉ số ít các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương thực hiện việc chuyển đổi từ phòng công chứng sang văn phòng công chứng như thành phố Cần Thơ, thành phố Hải Phòng, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, tỉnh Lâm Đồng… Thêm vào đó, khi thực hiện việc chuyển đổi, nhiều công chứng viên, nhân viên lao động tại phòng công chứng sẽ có nguyện vọng chuyển công tác về Sở Tư pháp hoặc các cơ quan nhà nước, nếu như được bố trí. Tuy nhiên, việc phân bổ nguồn lực này không dễ dàng giải quyết, do sự hạn chế về biên chế lao động hàng năm tại địa phương hoặc Sở Tư pháp[4]. Vì vậy, cơ quan nhà nước cần ban hành chủ trương, chính sách, pháp luật nhằm khắc phục những vấn đề này, thúc đẩy quá trình chuyển đổi được diễn ra một cách nhanh chóng, kịp thời. 1.4. Công tác quản lý nhà nước đối với việc xã hội hóa hoạt động công chứng Những vấn đề thực tiễn đã và đang diễn ra dưới đây, cần sự chung tay, góp sức từ công tác quản lý của Nhà nước, cụ thể như sau: Thứ nhất, đối với việc hợp danh để thành lập văn phòng công chứng, cần đặt ra vấn đề đó là: Kiểm tra và xác minh một cách chặt chẽ, kỹ lưỡng đối với việc công chứng viên tổ chức thành lập văn phòng công chứng, ví dụ như: Tại sao công chứng viên luân chuyển công tác từ văn phòng công chứng này sang văn phòng công chứng khác trong một khoảng thời gian ngắn nhất định, “nay làm văn phòng này, mai làm văn phòng khác”. Đồng thời, người điều hành hoạt động công chứng không phải là trưởng văn phòng công chứng hay công chứng viên hợp danh mà là một cá nhân khác. Thứ hai, đối với việc hành nghề công chứng của công chứng viên, cần lý giải được tại sao công chứng viên hành nghề công chứng mà mỗi tháng, mỗi năm chỉ công chứng được một vài hợp đồng, giao dịch. Phải chăng, việc công chứng này đang “lách luật” để thỏa mãn điều kiện không được miễn nhiệm công chứng viên do không hành nghề liên tục từ 12 tháng trở lên (Điều 15 Luật Công chứng năm 2014). 2. Giải pháp thúc đẩy xã hội hóa hoạt động công chứng 2.1. Bố trí và sắp xếp các tổ chức hành nghề công chứng một cách khoa học; khuyến khích thành lập văn phòng công chứng tại các vùng sâu, vùng xa Trong quá trình cấp phép thành lập văn phòng công chứng, các cơ quan có thẩm quyền cần lưu ý về cách phân bố, sắp xếp khoảng cách giữa các tổ chức hành nghề công chứng trong cùng một đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện hoặc cấp tỉnh, sao cho bảo đảm ít nhất mỗi quận/huyện có ít nhất 01 tổ chức hành nghề công chứng, khoảng cách về vị trí địa lý giữa các tổ chức hành nghề công chứng phải hợp lý, tránh tập trung, co cụm tại một nơi, một con đường, đặc biệt là tập trung tại quận/huyện hoặc xã/phường trung tâm các thành phố lớn. Tại các vùng sâu, vùng xa, ít đơn vị hành chính, dân cư thưa thớt, hoạt động kinh doanh bất động sản diễn ra không nhiều và nhu cầu sử dụng dịch vụ công chứng gặp nhiều khó khăn do cách trở về địa lý, đi lại, kinh tế khó khăn và trình độ dân trí thấp. Tất cả những nguyên nhân này ảnh hưởng rất lớn đến nguồn thu nhập từ việc công chứng của văn phòng công chứng nên tại hầu hết các địa phương này, công chứng viên thường không đưa ra lựa chọn thành lập và tổ chức hoạt động công chứng, ảnh hưởng đến nhu cầu sử dụng dịch vụ công chứng của người dân. 2.2. Hoàn thiện thể chế về hoạt động công chứng để thúc đẩy xã hội hóa hoạt động công chứng Đối với việc tổ chức và hoạt động của văn phòng công chứng, tác giả kiến nghị nên sửa khoản 1 Điều 22 Luật Công chứng năm 2014 theo hướng: “Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật Công chứng và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan về loại hình doanh nghiệp. Văn phòng công chứng có thể thành lập và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh hoặc loại hình doanh nghiệp khác phù hợp quy định của pháp luật”[5]. Đối với việc chuyển đổi từ phòng công chứng sang văn phòng công chứng, cần ban hành các chủ trương, chính sách về việc chuyển đổi từ phòng công chứng sang văn phòng công chứng gắn liền với những nội dung sau: - Có nhiều chính sách pháp luật tốt cho công chứng viên nhận chuyển nhượng như: Công nhận các chế độ đãi ngộ về lương, hưu trí (những trường hợp gần tuổi hưu trí), thừa nhận công sức đóng góp của công chứng viên đối với uy tín, thương hiệu của phòng công chứng, giá cả ưu đãi đối với quyền nhận chuyển nhượng… - Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể về việc chuyển đổi một cách rõ ràng, cụ thể như: Thời hạn chuyển đổi, hình thức chuyển đổi, giá quyền nhận chuyển đổi… để thúc đẩy nhanh chóng quá trình chuyển đổi từ phòng công chứng sang văn phòng công chứng. - Cần có chủ trương và dự liệu trước nhiều biên chế đối với công chứng viên và nhân viên lao động có nguyện vọng luân chuyển công tác tại các địa phương hoặc Sở Tư pháp. 2.3. Nâng cao vai trò của cơ quan quản lý các hoạt động về việc đăng ký thành lập, hoạt động, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực công chứng Thường xuyên tổ chức kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động công chứng hàng năm, đặc biệt, cần xử lý nghiêm khắc những trường hợp công chứng viên vi phạm pháp luật, vi phạm quy tắc đạo đức hành nghề công chứng như vi phạm pháp luật về trình tự, thủ tục công chứng các hợp đồng, giao dịch; vi phạm quy tắc đạo đức hành nghề công chứng như: Sự cạnh tranh không lành mạnh (trích phần trăm hoa hồng - phí công chứng cho người yêu cầu công chứng, nói xấu, gièm pha lẫn nhau làm suy giảm, xóa mòn uy tín, độ tin cậy của người dân vào công chứng viên…); Như vậy, trên đây là thông tin về vấn đề : Giải pháp thúc đẩy xã hội hóa hoạt động công chứng trong giai đoạn hiện nay. Ngoài ra, nếu như bạn có thắc mắc gì liên quan đến dịch vụ công chứng, xin vui lòng liên hệ theo thông tin: MIỄN PHÍ DỊCH VỤ CÔNG CHỨNG TẠI NHÀ Địa chỉ: 165 Giảng Võ, phường Cát Linh, quận Đống Đa, Hà Nội Hotline: 0966.22.7979 – 0935.669.669 Email: [email protected]